Đây cũng là một trong các mẫu chip đại diện cho thế hệ Ryzen mới được sản xuất theo quy trình 12 nm cũng như tối ưu hơn về mặt kiến trúc. Điều này hứa hẹn mang lại hiệu năng tính toán cao hơn trong khi vẫn giữ được mức tiêu thụ năng lượng tương đương chip thế hệ cũ.
Ryzen 7 2700X có giá đề xuất 329 USD và tại Việt Nam giá 9,8 triệu đồng. Sản phẩm cũng đi kèm là bộ tản nhiệt Wraith Prism RGB nên bạn không phải tính thêm khoản mục này khi mua sắm.
Thiết kế, tính năng kỹ thuật
Thiết kế 2700X vẫn dựa trên nền tảng kiến trúc Zen tương tự thế hệ cũ với đế bán dẫn Zeppelin, gồm hai khối CCX (CPU Complex) kết nối với nhau dựa trên công nghệ Infinity Fabric. Tuy nhiên, điểm khác biệt là các sản phẩm mới được sản xuất theo quy trình 12 nm cũng như tối ưu hơn về kiến trúc để giảm độ trễ.
Cụ thể AMD cho biết thời gian xử lý lệnh trong một chu kỳ (instructions per cycle) của Ryzen thế hệ 2 giảm 3% so với trước. Độ trễ của RAM và bộ nhớ đệm, đặc biệt là L1 cache cũng cải thiện đáng kể từ 11% đến 34% so với chip cũ.
Bên cạnh đó, công nghệ quan trọng của kiến trúc Zen là AMD SenseMI cũng có sự thay đổi, gia tăng sức mạnh tính toán cho bộ xử lý. Về cơ bản, SenseMI là tổ hợp của 5 công nghệ bổ trợ nhau, tập trung vào cải tiến mức tiêu thụ điện năng, xung nhịp, hiệu suất xử lý và tốc độ trao đổi dữ liệu.
Trong đó đáng chú ý là công nghệ eXtended Frequency Range 2 (XFR2) và Precision Boost 2 cho phép bộ xử lý Ryzen tự động tăng xung nhịp của các nhân xử lý cùng lúc theo yêu cầu hệ thống. Đây cũng là điểm khác với thế hệ XFR đầu tiên và điều này giúp cải thiện năng lực tính toán đến 7% khi sử dụng với bộ tản nhiệt chất lượng cao.
Bảng thông số kỹ thuật bên dưới cho thấy Ryzen 7 2700X chạy ở xung nhịp mặc định 3,7 GHz và có thể tăng tốc đạt 4,3 GHz nhờ công nghệ XFR2 và Precision Boost 2. Trong khi đó, mẫu chip cao nhất của thế hệ cũ là 1800X chỉ đạt 4.0 GHz và 1700X là 3,8 GHz.
Điểm đáng ghi nhận khác của 2700X là đi kèm cả bộ tản nhiệt Wraith Prism trong khi với 1800X, bạn phải mua thêm từ hãng thứ ba. Thực tế cho thấy tản nhiệt hoạt động hiệu quả cả trong phép thử 3DMark Stress test dùng kiểm thử tính ổn định của hệ thống và hiệu quả tản nhiệt. Không chỉ cho phép tùy chỉnh LED RGB với nhiều màu sắc khác nhau, thiết kế Wraith Prism còn hỗ trợ 2 chế độ hoạt động khác nhau. Cụ thể chế độ mặc định có mức TDP (thermal design power) 116 watt, tốc độ quạt giới hạn ở mức 2.800 rpm và tương ứng độ ồn chỉ 38dBA. Khi chuyển sang chế sang hiệu năng cao, tốc độ cao nhất của quạt đạt 3.600 rpm và độ ồn cũng tăng lên mức 47dBA.
Cấu hình thử nghiệm
Cấu thử nghiệm Ryzen 7 2700X xây dựng trên nền tảng AM4 với bo mạch chủ Gigabyte X470 Aorus Gaming 7 WiFi, đồ họa MSI GTX 1080 Ti Lightning, RAM G.Skill Sniper X 16GB, bus 3.400 MHz, SSD Intel 750 400GB, nguồn Andyson H6 series 800W và hệ điều hành Windows 10 x64.
Ngoài những công cụ quy chuẩn là PCMark, 3DMark và Cinebench, mình cũng sử dụng một số phép thử đánh giá sức mạnh tính toán của riêng bộ xử lý, card đồ họa cũng như khả năng chiến game ở độ phân giải 4K. Hệ thống chạy với thông số mặc định và kết quả phép thử chỉ được ghi nhận nếu không có sự chênh lệch đáng kể giữa các lần test.
Để các bạn dễ tham khảo, mình sẽ so sánh điểm số đạt được của 2700X với một số CPU khác từng thử nghiệm; đặc biệt là Ryzen 7 1800X cũng được benchmark lại với cùng cấu hình trên. Mục đích của việc này để thấy được những thay đổi hiệu quả của kiến trúc Zen+ 12nm so với kiến trúc Zen nguyên bản. Nó thể hiện được những nỗ lực của AMD đã có kết quả tích cực và với mình, điều này quan trọng hơn nhiều so với việc so sánh cùng CPU Intel.
Hiệu năng chi tiết
Kết quả benchmark dựa trên công cụ 3DMark và VRMark.
Với sự hậu thuẫn của đồ họa Titan X, Ryzen 7 2700X nhẹ nhàng “bay” qua các phép thử với những điểm số ấn tượng. Cụ thể qua công cụ đánh giá hiệu năng tổng thể PCMark 10, cấu hình 2700X đạt 7.978 điểm và đạt 8.626 điểm trong phép thử PCMark 8 Creative.
Kết quả benchmark với Cinebench R15 và Geekbench 3.
Trong phép đo Cinebench R15, mẫu chip AMD đạt 175 điểm trong phép thử đơn nhân và 1.825 điểm đa nhân; so với Ryzen 7 1800X là 154 điểm và 1.646 điểm trong phép thử tương ứng. Với Geekbench 3, 2700X đạt 4.697 điểm hiệu năng đơn nhân và 34.166 điểm hiệu năng đa nhân.
Nếu so sánh trực tiếp các điểm số thì sức mạnh đơn nhân của 2700X cao hơn 1700X từ 10,4 đến 13,6% trong khi sức mạnh đa luồng cũng mạnh hơn từ 10,9 đến 12,3%.
Phép thử HandBrake dùng chuyển đổi định dạng bộ film 17,8GB từ định dạng .mkv sang .mp4
Trong phép thử đồ họa 3DMark, cấu hình 2700X đạt 7.130 điểm Fire Strike Ultra, trong đó đồ họa đạt 7.061 điểm và CPU là 20.801 điểm. Cũng với phép thử TimeSpy được thiết kế nhằm khai thác sức mạnh bộ thư viện DirectX 12, hệ thống đạt 9.762 điểm trong đó đồ họa 1080 Ti đạt 9.900 điểm và CPU đạt 9.052 điểm.
Tương tự xét riêng về điểm CPU thì 2700X cũng cao hơn Core i7-6900K lần lượt 7% và 12,2% trong cùng phép thử. Và điều này cũng thể hiện qua kết quả các phép thử nén/bung nén tập tin bằng 7-zip, dựng hình đồ họa 3D với POV-Ray và phép thử HandBrake dùng chuyển đổi định dạng bộ film 17,8GB từ .mkv sang .mp4. Xem chi tiết trong bảng kết quả bên dưới.
Về các game thử nghiệm gồm Ashes of the Singularity, Rise of the Tomb Raider và Batman: Arkham Knight. Sức mạnh mẫu card đồ họa 1080 Ti thể hiện một cách rõ nét qua số khung hình trung bình luôn cao hơn 60 fps, đủ mang đến người chơi những trải nghiệm hấp dẫn, cuốn hút theo mạch game.
Cũng cần nói thêm, ngoại trừ một vài game có yêu cầu cao về CPU cũng như khả năng tận dụng tốt đa luồng như ARMA3, bạn mới nhận thấy sự khác nhau về hiệu năng các bộ xử lý. Trong các game còn lại, card đồ họa vẫn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định tốc độ xử lý đồ họa của game.
Nhiệt độ, điện năng tiêu thụ
Đánh giá mức tiêu thụ năng lượng của cấu hình thử nghiệm (không bao gồm màn hình) qua phép thử đồ họa 3DMark Time Spy stress test. Nhiệt độ và công suất hệ thống được ghi nhận qua phần mềm Ryzen Master và Logger Lite trong môi trường khoảng 22 độ C.
Ở chế độ không tải, nhiệt độ chip dao động ở 36độ C và mức công suất tiêu thụ của cấu hình thử nghiệm khoảng 106,9 watt (tính theo trị số trung bình); so với mẫu chip R7 1800X cũng 36 độ C và công suất tương ứng 107,5W.
Trong phép thử 3DMark stress test, nhiệt độ 2700X dao động ở mức 60 độ C, cao hơn không đáng kể so với 1800X đồng thời mức tiêu thụ điện năng cao nhất chỉ 420,2W. Đáng chú ý ở phần này là nhiệt độ CPU khá thấp và nó cũng là một trong các yếu tố giúp việc ép xung CPU dễ đạt mức cao hơn.
Về ép xung thì đây cũng là một chủ đề lớn nên mình sẽ chia sẻ trong một bài viết riêng. Còn trên thực tế, tại buổi gặp gỡ giới truyền thông ở Thailand hồi cuối tháng Ba qua, mẫu chip R7 2700X đã được một tay chơi có cỡ đẩy lên mức 5,571 GHz khi ép xung bằng nitơ lỏng. Khi đó, điểm đa nhân của Cinebench R15 cao hơn khoảng 27,6% với mức xung nhịp mặc định.
Tổng quan sản phẩm
Nhanh hơn, mạnh hơn trong khi giá bán rẻ hơn đáng kể so là những điểm nổi bật của Ryzen 7 2700X. Tuy vẫn sử dụng kiến trúc Zen tương tự thế hệ cũ, nhưng không đơn thuần là việc tăng xung nhịp hoặc đẩy mức TDP cao hơn để tạo ra Ryzen 7 2700X. Trên thực tế, AMD đã cho thấy sự thay đổi rõ rệt cả về kiến trúc nền tảng bên dưới cũng như ứng dụng hỗ trợ. Nó giúp khai thác tốt hơn sức mạnh đa nhân của bộ xử lý đồng thời gia tăng tính ổn định của toàn hệ thống.
Tại Việt Nam, R7 2700X được bán với giá 9,8 triệu đồng và cũng được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp cùng mẫu chip Intel Core i7-8700K, giá 9,35 triệu đồng. Tuy chưa đạt được sự ổn định như nền tảng Intel và giá bán cao hơn, nhưng xét ở khía cạnh về hiệu năng và cả việc đi kèm là bộ tản nhiệt Wraith Prism RGB, 2700X vẫn có sức hấp dẫn đáng kể. Điều này sẽ tạo áp lực để Intel phải cân nhắc lại chiến lược về giá sản phẩm, và không ai khác chính bạn sẽ là người được hưởng lợi.